Bệnh ở túi mật và cách phát hiện sớm

Để duy trì sức khỏe cho bộ phận này chúng ta không chỉ cần một chế độ ăn uống hợp lý, lành mạnh mà còn cần phải có kiến thức để phát hiện sớm bệnh của túi mật.

Nhiệm vụ của túi mật

Túi mật là một túi nhỏ, nằm dưới gan ở 1/4 trên (bên) phải của bụng, có nhiệm vụ cô đặc và lưu trữ dịch mật (được gan tiết ra). Khi chúng ta ăn, đặc biệt là thức ăn có dầu, mỡ; túi mật sẽ co bóp để đẩy dịch mật chứa trong đó vào đường mật và sau đó xuống tá tràng để trộn lẫn với thức ăn giúp tiêu hóa chất béo.

Bệnh thường gặp ở túi mật

Bệnh túi mật thường gặp nhất là sỏi túi mật, kế đến là polyp túi mật. Ngoài ra còn có các bệnh u lành, u ác, viêm không do sỏi, xoắn, rối loạn vận động... Có rất nhiều trường hợp bệnh túi mật không có triệu chứng gì khó chịu khiến bệnh nhân phải đi khám bệnh. Những triệu chứng của các loại bệnh túi mật có thể xảy ra là: đau ở vùng dưới bờ sườn bên phải hoặc vùng thượng vị (vùng chấn thủy), cơn đau có thể xảy ra nhanh, đột ngột hoặc kéo dài dai dẳng tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và mức độ sẽ càng tăng hơn sau những bữa ăn có nhiều chất béo; rối loạn tiêu hóa, sốt... Và tùy từng bệnh cụ thể mà có những biểu hiện rõ rệt.

Bệnh ở túi mật và cách phát hiện sớmSỏi túi mật, viêm túi mật thường gây đau quặn bụng.

Sỏi túi mật: Sỏi túi mật là sự kết tụ các thành phần có trong dịch mật mà chủ yếu là cholesterol, bilirubin (sắc tố mật), canxi. Tỷ lệ dân số có sỏi túi mật tăng theo tuổi. Tại Việt Nam, hiện nay, với việc áp dụng phổ biến siêu âm bụng vào chẩn đoán, tỷ lệ sỏi túi mật đơn thuần được phát hiện chiếm 58-71% sỏi đường mật nói chung. Khi bị sỏi mật, khoảng 30% trường hợp có sỏi túi mật là có triệu chứng. Triệu chứng của sỏi túi mật thường gặp nhất là cơn đau quặn mật (86%), với các đặc điểm sau: Những cơn đau riêng biệt kéo dài từ 30 phút đến vài giờ. Đau xảy ra ở thượng vị hoặc vùng bụng trên phải, với các trường hợp đau nhiều nhất ở vùng thượng vị, khiến dễ nhầm với bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng. Đau nhiều và liên tục, cơn đau có thể làm cho bệnh nhân ngưng thở. Đau xảy ra trong vòng vài giờ sau khi ăn, hoặc đau về đêm thường làm cho bệnh nhân thức giấc. Ngoài ra, các triệu chứng khác bao gồm đau lưng, đau bụng trên trái, buồn nôn và nôn, đầy bụng (khó tiêu với thức ăn mỡ).

Polyp túi mật: Polyp túi mật là thuật ngữ chuyên môn y học để mô tả các hình thái tổ chức xuất phát từ thành túi mật phát triển lồi vào trong lòng túi mật. Các hình thái tổ chức có bản chất cấu trúc khác nhau, có thể là lành tính (không phải ung thư) hoặc không lành tính (ung thư). Trên 95% polyp túi mật là tổ chức lành tính, trong đó thường gặp nhất (40-70%) là cholesterol polyp (cholesterol là chất béo có mặt ở màng tế bào và lưu hành trong máu với một nồng độ nhất định), tiếp đến là polyp hình thành do viêm, polyp hình thành do phát triển tăng sinh tổ chức tuyến, polyp có bản chất là tổ chức mỡ, tổ chức cơ mỡ, tổ chức cơ tuyến, dị hình mạch máu...

Polyp túi mật có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi và không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ mắc giữa nam và nữ. Tuy vậy, trên thực tế polyp túi mật chủ yếu gặp ở người trưởng thành, rất hiếm gặp ở trẻ em. Có rất nhiều các yếu tố thuận lợi để hình thành polyp túi mật như: nồng độ đường máu, mỡ máu, béo phì, thói quen ăn uống, nhiễm virut viêm gan... Hiện nay, với sự phát triển của các phương tiện chẩn đoán hình ảnh: siêu âm, siêu âm nội soi, chụp cắt lớp vi tính (CT Scan), chụp cộng hưởng từ hạt nhân (MRI) đã giúp ích rất nhiều cho chẩn đoán polyp túi mật.

Polyp túi mật nhỏ thường không có triệu chứng và không cần điều trị. Tuy nhiên, những bệnh nhân có polyp lớn hơn 10mm, hay đau quặn mật mơ hồ tái diễn, đặc biệt là các trường hợp có đồng thời sỏi mật thì thường có chỉ định cắt túi mật.

Muốn túi mật khỏe mạnh, phải làm sao?

Đa phần sỏi túi mật được hình thành từ sự lắng đọng cholesterol, vì vậy một chế độ ăn uống lành mạnh với hàm lượng cholesterol thấp, ít chất béo sẽ tốt cho sức khỏe của túi mật.

Cần kiểm soát cân nặng nhờ chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên; không áp dụng chế độ giảm cân quá khắt khe và nhanh chóng, bởi có bằng chứng cho thấy việc làm này có thể làm thay đổi đột ngột quá trình sinh lý mật, làm tăng nguy cơ sỏi mật.

Ăn uống điều độ cũng là một phần của chế độ ăn duy trì sức khỏe cho túi mật bởi mật thường được tích tụ trong một thời gian nhất định rồi mới tiết ra khi ta ăn. Nếu ăn một bữa quá nhiều chất dinh dưỡng hay quá no sẽ làm mật quá tải, dễ hình thành sỏi mật.

BS. Bùi Xuân Trường